( 01-04-2020 - 01:08 PM ) - Lượt xem: 1350
Thị trường bất động sản (BĐS) chững lại, cộng thêm sự gia nhập của các nhà thầu nước ngoài không chỉ làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu trong
Một năm ảm đạm của nhiều nhà thầu xây dựng
Thị trường bất động sản (BĐS) chững lại, cộng thêm sự gia nhập của các nhà thầu nước ngoài không chỉ làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu trong nước, mà còn khiến cho “miếng bánh” lợi nhuận của doanh nghiệp ngành xây dựng thu hẹp trong năm 2019.
Theo thống kê của Báo Đấu thầu, doanh thu của nhóm doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp có xu hướng tăng từ năm 2015 tới 2018, tuy nhiên đã chững lại trong năm 2019.
Kết thúc năm 2019, sự chững lại của thị trường BĐS và xây dựng nhà ở khiến doanh thu của “ông lớn” đầu ngành Công ty CP Xây dựng Coteccons (Coteccons) giảm 17% so với năm 2018, đạt 23.733 tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của Coteccons giảm tới 53%, về mức 711 tỷ đồng.
Dù tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Coteccons đặt ra mục tiêu kinh doanh khiêm tốn, nhưng với kết quả đạt được, Công ty chỉ hoàn thành 88% chỉ tiêu doanh thu và 68% chỉ tiêu lợi nhuận.
Coteccons cho biết, nguyên nhân doanh thu giảm bắt nguồn từ những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án BĐS đã ký nhưng không được triển khai hoặc triển khai chậm. Trong khi đó, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng do nguồn việc ít đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty.
Cùng chung cảnh ngộ với Coteccons là Công CP Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) với ghi nhận doanh thu năm 2019 giảm 6% so với năm 2018, lợi nhuận ròng cũng giảm 16%, đạt 360 tỷ đồng.
Khác với trường hợp của Coteccons và Ricons, 2 nhà thầu xây dựng lớn khác là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) và Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu, nhưng ở mức thấp.
Cụ thể, doanh thu năm 2019 của Hòa Bình chỉ tăng trưởng 2%, đạt 18.647 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế ở mức 407,3 tỷ đồng, giảm 34,3% so với năm trước. Thậm chí, mức lợi nhuận của Hòa Bình có thể giảm sâu hơn nếu Công ty không ghi nhận một khoản lợi nhuận khác đột biến 120,8 tỷ đồng trong quý IV/2019. Trong bối cảnh hoạt động xây dựng không thuận lợi, Hòa Bình có ý định chuyển hướng kinh doanh khi lập quỹ đầu tư BĐS, chứng khoán.
Còn Vinaconex ghi nhận doanh thu năm 2019 đạt 9.848 tỷ đồng, tăng 1,2%. Tuy vậy, khác với 3 doanh nghiệp trên, một phần lớn doanh thu của Vinaconex đến từ kinh doanh BĐS. Loại trừ các các hoạt động kinh doanh khác, doanh thu từ hoạt động xây lắp của Vinaconex chỉ đạt 5.542 tỷ đồng, giảm 4,2% so với năm 2018.
Theo báo cáo ngành xây dựng của Công ty CP Chứng khoán FPTS phát hành vào cuối tháng 12/2019, triển vọng ngành xây dựng kém khả quan so với giai đoạn trước đây chủ yếu do lĩnh vực hạ tầng tăng trưởng chậm, đồng thời lĩnh vực xây dựng nhà ở cũng chững lại trong ngắn hạn. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng trong nước dự kiến ở mức 6,9%/năm trong 10 năm tới (2018 - 2028), giảm nhẹ so với trung bình 10 năm trước (7,1%/năm).
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh giữa các nhà thầu Việt dự kiến sẽ gia tăng do tốc độ tăng trưởng chậm dần khi bước vào giai đoạn tái cấu trúc, cộng thêm sự gia nhập của các nhà thầu nước ngoài trong xu hướng toàn cầu hóa của ngành xây dựng thế giới. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nhà thầu có khả năng hợp tác, tiếp thu công nghệ tiên tiến của các nhà thầu nước ngoài.
Bước sang năm 2020, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng được dự báo tiếp tục ảm đạm khi thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) nhận định, có thể phải đến quý III/2020, thị trường BĐS mới phục hồi và tăng trưởng trở lại.